Bình loạn phim After Earth

After Earth
After Earth

Cảnh báo trước khi đọc: Hai chữ bình loạn chỉ mang tính chất minh họa, có nhiều yếu tố spoil, khuyến cáo không nên đọc nếu chưa xem phim.

Trở Về Trái Đất kể về chiếc phi thuyền chở anh chàng trẻ tuổi Kitai Raige (Jaden Smith) và người cha là một huyền thoại Cypher (Will Smith) bị mắc kẹt trên Trái đất hoang vu, nơi mà cách đây 1000 năm loài người di cư khỏi đây để chạy trốn cơn đại hồng thủy. Ông bố Cypher bị thương nặng, cậu bé Kitai phải tự mình dấn thân vào một hành trình nguy hiểm, tìm cách gửi thông điệp cứu giúp. Trong quá trình ở trên Trái đất với địa hình hiểm trở, đối mặt với những loài động vật – kẻ cai trị mới ở Trái đất, chiến đấu với một sinh vật ngoài hành tinh nguy hiểm vừa trốn thoát sau vụ tai nạn, chỉ bằng cách học chiến đấu, tin tưởng lẫn nhau, cha con họ mới có cơ hội trở về nhà.

Trên là giới thiệu về After Earth có thể đọc ở bất cứ trang web nào. Bộ phim có một trailer khá hấp dẫn, khai thác một chủ đề cũ nhưng không bao giờ nhàm chán: trái đất đã bị diệt vong bởi bàn tay con người và trở thành 1 nơi nguy hiểm với nhiều sinh vật biến đổi. Ai cũng có một chủ đề phim ưa thích, đây là thể loại ưa thích của mình, cái kiểu “the end of the world” đồng thời với sự góp mặt của cha con Will Smith và Jaden Smith làm cho phim càng trở nên hấp dẫn đến kịch trần. Nhưng phải nói, xem phim xong thấy một nỗi hụt hẫng vô bờ bến và có một chút tiếc tiền nhẹ. Đáng lẽ phim này coi ở nhà thì ok hơn. Diễn biến phim quá chậm và chỉ có một cao trào khúc cuối khi đứa con trai là Kitai đối mặt với con quái vật Ursa nhưng cũng chưa được đẩy lên đỉnh điểm. Phim có một concept hay nhưng Shyamalan lại không khai thác được nó.

Nếu mình mà là đạo diễn phim này, ngay từ đầu, mình sẽ cho thằng con lao vô đấu với con Ursa trong 1 thử thách cuối cùng để trở thành chiến binh nhưng bị thất bại. Điều này sẽ chứng tỏ là tuy thằng này rất giỏi về các bài tập và kĩ thuật nhưng chỉ có cái con quỉ Ursa là nó không vượt qua được thôi. Có như vậy mới làm cho người ta thắc mắc có cái quái gì với con Ursa này và cũng giới thiệu là thằng nhỏ này khả năng hơn người nhưng có vấn đề về tâm lý. Sau này chỉ đi tháo gút cho cái tâm lý bấn loạn này thôi. Chứ cái kiểu để cho ông thầy ngồi nói miệng “em rất giỏi khi chạy bộ nhưng không làm nên chuyện lúc tập luyện” được minh họa bằng cảnh thằng nhóc chạy marathon vượt bạn bè rất tầm thường thì đúng là nhạt hơn nước miếng.

Rồi đến lúc cho thằng nhỏ đến Trái Đất, không cho ông bố ra chiến đấu cùng thì cũng ok nhưng mà phải thể hiện thằng Kitai này có bản lĩnh hơn chứt xíu, đồng ý là mới ra thực tế lần đầu nhưng mà vừa gặp con tinh tinh (hoặc vượn, khỉ, khỉ đột gì đó) bé xíu mà đã hoảng loạn thì sao tới khi đối đầu với con Ursa có thể tiến bộ lẹ vậy được.

Còn 1 đoạn rất gân máu là cái con chim khổng lồ. Thật là khó hiểu lý do tại sao con chim lại điên khùng hy sanh mạng sống cho 1 thằng nhỏ lạ hơ lạ hoắc nó chôm từ ngoài mang về tổ (mà lúc đầu mình nghĩ là nó mang về để làm mồi cho con của nó)??? Thôi thì tạm bỏ qua cho cái vụ án này vì có thể chim nó không suy nghĩ theo cái trật tự logic của con người. Nhưng mà thật là bức xúc chuyện con chim hi sinh lãng xẹt chết ngay đơ vào sáng sớm tinh mơ. Thử hỏi, con chim đó cũng khôn, lại khỏe, sống ở Trái Đất bao nhiêu năm, bản năng sinh tồn mạnh mẽ, sao lại không biết là trời sẽ lạnh một cách đột ngột kinh khủng như vậy. Nó theo dõi Kitai hàng giờ liền mà nó không quắp thằng nhỏ đi lúc đang ngủ để cứu mạng là sao? Đạo diễn lẽ ra nên để con chim bảo vệ Kitai thành công, quắp nó đi lúc nó đang ngủ và trở thành người bạn với nó. Để rồi lúc Kitai chiến đấu với con Ursa trong sợ hãi, con chim này mới lao thân mình ra và bị con Ursa giết chết để gợi nhớ Kitai về người chị cũng đã hy sinh mạng sống để bảo vệ nó. Từ đó mà vượt qua nỗi sợ hãi, trở nên vô thưởng và giết chết con Ursa. Cái chết của con chim sẽ không phải là cái chết cứng đờ vô nghĩa mà là mở đầu cho sự vươn lên đầy bản lĩnh của Kitai. Để rồi lồng thêm một bài học rằng Trái Đất đầy nguy hiểm nhưng vẫn còn một chút gì đó ấm áp và có thể lấy đi thêm nhiều lít nước mắt cho con chim tưởng chừng quái vật nhưng lại đầy tình người đó.

Concept của bộ phim chắc hẳn khởi nguồn từ câu nói của người cha “Danger is very real. But fear is a choice” hay chính xác ra “Fear is a product of imagination”. Mình thấy câu sau này mới là tuyệt đỉnh. Người ta không sợ cái chết mà sợ những thứ mình sẽ mất đi khi chết, người ta không sợ con cá mập mà sợ khi gặp cá mập nó sẽ cắn mình, người ta không mất việc làm mà sợ cuộc sống sẽ đảo lộn như thế nào khi bị mất việc, người ta không sợ việc chia tay mà sợ nỗi nhớ người kia sau khi chia tay và sự thay đổi của cuộc sống khi thiếu vắng người kia. Tất cả đều nằm ở chữ “sẽ”. Nói tổng quan thì người ta không sợ bản thân cái sai lầm mà người ta sợ những thứ sẽ xảy đến đằng sau cái sai lầm đó, mà thật ra thì những thứ đó đều chưa xảy ra, chỉ là tưởng tượng của con người thôi. Nên thâm hiểm nhất chính là phần “product of imagination” nó là khởi sự của tất cả, cho nên bạn có quyền lựa chọn có cho sản phẩm “nỗi sợ” ấy ra lò hay không. Concept thì hay đấy, nhưng cái cách mà Shyamalan lồng bài học về nỗi sợ này vào đoạn đối thoại của hai cha con thì rất gượng ép. Ơi, nói túm lại là đạo diễn xử lỷ bộ phim này không tốt rồi. Giờ thì ngủ, mai đi làm thôi. Blue monday ố ồ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *